Sacombank giữ vững đà tăng trưởng sẵn sàng nội lực hoàn thành đề án tái cơ cấu

01/02/2024

Sacombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023. Theo đó, Sacombank đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu được Đại hội đồng cổ đông giao phó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất trích lập 100% dự phòng nợ bán VAMC chưa thu hồi, dự kiến Ngân hàng sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào nửa đầu 2024.

Chính thức bước vào quá trình phục hồi mạnh mẽ

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý IV của Sacombank đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, ngân hàng thu về 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51% so với năm 2022, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao phó. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Sacombank trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và thị trường tài chính quốc tế trải qua những đợt biến động mạnh.

Một điểm nhấn quan trọng trong kết quả kinh doanh của Sacombank là việc ngân hàng đã hoàn tất trích lập 100% dự phòng nợ bán VAMC chưa thu hồi,đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu Sacombank. Với việc hoàn tất trích lập dự phòng, Sacombank đã giải quyết được một trong những yếu tố chính khiến lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm trong những năm qua. Điều này sẽ giúp Sacombank cải thiện chất lượng tài sản và nâng cao khả năng sinh lời trong thời gian tới.

Duy trì mục tiêu tăng trưởng gắn với an toàn hoạt động

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 674 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 578 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3%, trong đó chú trọng tăng tiền gửi CASA 8,8%. Trong năm, Sacombank cũng đã liên tục kéo khung lãi suất huy động giảm khoảng 4% so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cao nhất chỉ xấp xỉ quanh mức 5%. Tỷ lệ CAR hợp nhất 9,11%, tỷ lệ LDR đạt 82,77%, tỷ lệ NIM 3,9%, các chỉ số ROA, ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, tăng 0,31 và 4,47%. Mới đây, Sacombank được Công ty cổ phần EY Việt Nam trao chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo BASEL III, trở thành Ngân hàng tiếp theo tại Việt Nam áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn quản lý rủi ro ở cấp độ cao này

Ngân hàng cũng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Theo đó, Sacombank đã triển khai 131,5 ngàn tỷ các gói cho vay ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất  kinh doanh và kích thích tăng trưởng tín dụng; trong đó, dành 56.000 tỷ đồng cho vay lãi suất chỉ từ 3% cho hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận vốn và 75.500 tỷ đồng cho vay lãi suất chỉ từ 6% cho hơn 35.000 khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn. Nhờ đó, cho vay đạt gần 483 nghìn tỷ đồng, tăng 10%.

Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu là vấn đề khó tránh, tuy nhiên, điểm tích cực là Sacombank vẫn kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng tài sản, trong đó tài sản có sinh lời chiếm gần 90%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,1%.

Ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư vào hoạt động số hóa nhằm nắm bắt các bước tiến của thời đại và cải tiến hệ sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ngân hàng cũng tích cực hưởng ứng các chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc triển khai các giải pháp kích cầu kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi miễn, giảm phí ngay từ đầu năm, trong đó tập trung nhiều ở lĩnh vực giao dịch số. Sacombank ghi nhận doanh số giao dịch qua kênh trực tuyến đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chính sách miễn/giảm phí dịch vụ đã ảnh hưởng đến nguồn thu, cần thời gian để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bảo hiểm, Sacombank đã tập trung chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm độc quyền theo hướng công khai - minh bạch và tuân thủ các quy định của NHNN, nên nguồn thu từ hoạt động này giảm so năm trước.

Tăng cường trải nghiệm khách hàng

Xác định trải nghiệm khách hàng bao gồm một chuỗi cảm xúc và nhận thức được hình thành thông qua quá trình tương tác liên tục với thương hiệu. Trong đó, không chỉ chất lượng sản phẩm dịch vụ mà chất lượng chăm sóc khách hàng cũng đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định và nâng tầm trải nghiệm.

Trên cơ sở đó, Sacombank tiên phong ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) ra mắt Tổng đài không phím bấm đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, AI được Sacombank đưa vào hotline 24/7 - 1800 5858 88 với vai trò là một trợ lý ảo thông minh, nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của khách hàng thông qua các từ khóa và đưa ra phản hồi chính xác bằng giọng điệu tự nhiên giống con người. Toàn bộ quá trình, khách hàng chỉ cần tương tác bằng giọng nói và không cần bấm chọn phím như thông thường. Ngoài ra, AI còn được ứng dụng vào các Chatbot hỗ trợ khách hàng trên website www.sacombank.com.vn và Fanpage Sacombank với khả năng xử lý tự động những nhu cầu thường thấy. Có thể nói, Tổng đài không phím bấm là nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu mọi kết nối của khách hàng đến Sacombank đều được thực hiện thông suốt và hiệu quả. Bên cạnh đó, đây còn là mảnh ghép về chăm sóc khách hàng trong lộ trình số hóa toàn diện mà Sacombank đang theo đuổi.

Song song với hoạt động chăm sóc khách hàng, Sacombank còn triển khai nhiều phương thức thanh toán hiện đại thông qua việc kết hợp với các Big Tech như Apple, Samsung và các tổ chức thẻ quốc tế như VISA, Mastercard, American Express... Hàng loạt các sản phẩm dịch vụ “hot trend” được Ngân hàng đưa ra thị trường trong năm 2023 như: Apple Pay, dịch vụ quét mã QR thanh toán xuyên biên giới tại Campuchia, bộ đôi thẻ Sacombank Platinum American Express với ưu đãi hoàn tiền vượt trội, thẻ tích hợp thanh toán – tín dụng tiện lợi Visa UNIQ Platinum… Sacombank cũng đẩy mạnh hoàn thiện mô hình Ngân hàng mở (Open Banking), từ đó tăng cường liên kết với các công ty fintech, thương mại điện tử, đối tác công nghệ thông qua các kết nối API để triển khai thêm nhiều loại hình thanh toán tiện lợi.

Hiện khách hàng số chiếm gần 70% lượng khách hàng hiện có của Sacombank và con số này không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Đồng hành phát triển cùng cộng đồng

Mang sứ mệnh đồng hành cùng phát triển từ những ngày đầu thành lập, Sacombank luôn đặt việc triển khai các hoạt động xã hội ngang tầm với các mục tiêu kinh doanh. Ngân hàng luôn chủ động hưởng ứng các chủ trương của Chính phủ nhằm kích cầu kinh tế, thúc đẩy tín dụng xanh và xây dựng mô hình, quy trình phát triển bền vững theo bộ tiêu chuẩn ESG.

Ngoài ra, Sacombank luôn tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương trong việc tổ chức các chương trình thiện nguyện, các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, khuyến khích tinh thần hiếu học, tinh thần sống tích cực, lành mạnh… Trong đó, nhiều chương trình đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của địa phương và mang đậm dấu ấn Sacombank như học bổng “Ươm mầm cho những ước mơ”, hiến máu nhân đạo “Sacombank – Chia sẻ từ trái tim”,chạy bộ gây quỹ xây nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc ít người “Những bước chân vì cộng đồng”.

Gần đây, Ngân hàng đang tổ chức chuỗi hoạt động từ thiện thường niên “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 21 – Xuân Giáp Thìn 2024, nhằm tiếp tục hành trình mang niềm vui ngày xuân đến với hàng ngàn cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật cũng như các hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trên khắp 52 tỉnh thành Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia. Kinh phí cho chuỗi hoạt động năm nay là 8,5 tỷ đồng. Qua 21 năm triển khai, Sacombank đã dành hơn 94 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện này, thể hiện cam kết gắn bó lâu dài, góp phần vào công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương của Ngân hàng.