Hơn 120 ngày tái cơ cấu đầu tiên ở Sacombank

03/11/2017

Nếu có một cuộc bình chọn nội bộ về những người làm việc tích cực nhất ở Sacombank kể từ đại hội đồng cổ đông ngày 30-6-2017 đến nay, hẳn sẽ có rất nhiều phiếu bầu cho bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc. Người phụ nữ đã có hơn 15 năm gắn bó với Sacombank, là Phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ trước khi ngồi vào ghế Tổng giám đốc, có sức làm việc dẻo dai, có thể họp liên tục bảy tiếng đồng hồ, quyết đoán và nhanh nhẹn đến mức bất kỳ nhân viên nào cũng cảm thấy phải nỗ lực để bắt kịp những quyết định, đôi khi gai góc, của bà. Bà đã dành thời gian để cùng ban điều hành trực tiếp đến tất cả 8 khu vực của Sacombank để đối thoại, truyền lửa, động viên cán bộ nhân viên có thêm động lực, từ đó gia tăng hiệu quả công việc.

Bà Diễm là một thí dụ điển hình của Sacombank trong cuộc chuyển mình tái cơ cấu đang diễn ra với một trong số những trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động và năng suất làm việc của đội ngũ nhân viên. Đầu tháng 10 vừa qua, sau mười tháng kể từ khi đón nhận Chứng nhận ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng do Bureau Veritas Certification cấp, ngân hàng đã cùng với Veritas triển khai đợt đánh giá định kỳ thường niên lần một. Kết quả Veritas đánh giá cao hệ thống quản lý chất lượng và duy trì chứng nhận ISO 9001:2015 cho Sacombank.

Về cơ bản chứng nhận ISO nói trên cấp cho hệ thống quản lý chất lượng Sacombank thuộc sáu lĩnh vực cốt lõi, bao gồm nhân sự và đào tạo; huy động vốn; cấp tín dụng; kinh doanh ngoại hối; thanh toán quốc tế; thanh toán nội địa (kể cả phương thức thanh toán tại quầy, thẻ, ngân hàng điện tử).

Quản lý chất lượng hoạt động dịch vụ của ngân hàng là sự kết hợp giữa quản lý bên ngoài với khách hàng và quản lý bên trong (quản lý nội bộ) nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện năng suất, hiệu quả. Sacombank từ ngày 2-10-2017 đã áp dụng qui chế quy trình quản trị mới. Các quy trình quản lý nội bộ thông thường tương đối phức tạp, thông qua sự tương tác giữa con người với con người, giữa con người với công nghệ, cấp trên - cấp dưới, giữa môi trường luật pháp và thể chế. Với ISO 9001:2015 và qui chế quy trình mới được hội đồng quản trị giám sát, Sacombank đã cụ thể hóa các khâu quản lý, đi kèm theo đó là một chế độ thu nhập (lương, thưởng) linh hoạt cho cán bộ điều hành cũng như nhân viên. Sacombank đã và đang luân chuyển giám đốc các chi nhánh, giám đốc khu vực để phát huy năng lực, sự linh hoạt, chuyên môn, kinh nghiệm của từng người và cả đội ngũ.

Chủ tịch Dương Công Minh đã từng khẳng định sẽ đưa lợi nhuận năm 2017 của Sacombank tăng gấp đôi so với chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3 được công bố vừa qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 450 tỷ đồng trong quí 3, lũy kế 9 tháng là 1.026 tỉ đồng, đạt 175% kế hoạch. Như vậy, chỉ sau 3 tháng ngồi ghế Chủ tịch, ông Dương Công Minh đang hiện thực hóa lời hứa của mình.

Về công tác xử lý nợ xấu, ông Minh cho biết, Sacombank đã xử lý được gần 7.000 tỷ đồng tính đến tháng 9-2017 trong tổng số từ 15.000 - 20.000 tỉ đồng mà ngân hàng dự kiến thu hồi được trong năm nay. Áp lực trong ba tháng cuối năm của Sacombank là rất lớn. Tuy nhiên, ngày 28-9-20017 vừa qua, Sacombank và VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác để mua bán nợ theo giá trị thị trường được quy định tại Nghị Quyết 42 của Quốc hội. Tức là thay vì bán nợ cho VAMC để lấy trái phiếu như trước đây, giờ có thể bán để lấy “tiền tươi thóc thật” về kinh doanh sinh lời. Hiện có một số đối tác đang rất quan tâm đến các tài sản đảm bảo là bất động sản tại Sacombank nên việc tìm được đầu ra là khá khả thi. Đây là cơ hội cho Sacombank giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các khoản nợ xấu trong thời gian tới. 

Tập trung xử lý nợ nhưng ngân hàng này không lơ là hoạt động kinh doanh. Các hoạt động lõi của Sacombank đang được đẩy mạnh, hiện tăng trưởng tốt và ổn định; đặc biệt là việc triển khai các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, theo xu hướng thanh toán di động đang rất phát triển tại Việt Nam. Có thể kể đến như công nghệ thanh toán không tiếp xúc Sacombank Contactless và máy POS NFC, cho phép chủ thẻ thanh toán chỉ bằng thao tác chạm nhẹ thẻ trước màn hình máy POS. Tiếp đó là phối hợp với Samsung cung cấp ứng dụng Samsung Pay cho phép người dùng điện thoại Samsung thanh toán bằng cách chạm điện thoại vào máy POS mà không cần phải mang theo thẻ. Mới đây nhất, Sacombank tiếp tục cho ra đời ứng dụng di động mCard để chủ thẻ thanh toán nhanh bằng cách quét mã QR tại các điểm bán hàng và đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được Visa hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR đối với các thẻ mang thương hiệu Visa. Bên cạnh đó, Sacombank còn hợp tác với các đối tác lớn như Dai-ichi Life Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam… để mở rộng hệ khách hàng và tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ.

Những chuyển động mạnh mẽ sau hơn 120 ngày tái cơ cấu đầu tiên tại Sacombank là cú hích hiệu quả để ngân hàng này tiếp tục dấn thân vào thị trường bán lẻ và từng bước lấy lại đà tăng trưởng, sẵn sàng cho mục tiêu tăng tốc từ năm 2018.

Hải Lý

Nguồn:  Thời báo kinh tế Sài Gòn