Chúng tôi muốn tiên phong trong công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng và mang về lợi nhuận nhiều hơn
29/05/2019Chiều ngày 28/5, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cùng với 7 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, Sacombank, ABBank và TPBank đã công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng.
Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa là mục tiêu chiến lược của NHNN, góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân cũng như phòng chống tình trạng gian lận thẻ, chống nạn ăn cắp dữ liệu bằng phương pháp cài thiết bị đọc trộm dữ liệu thẻ (skimming) khi khách hàng rút tiền tại các cây ATM.
Bên lề sự kiện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank – 1 trong 7 ngân hàng tiên phong về chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cũng như các ứng dụng không dùng tiền mặt trong thanh toán.
Thưa ông, hiện Sacombank có bao nhiêu thẻ và khi nào ngân hàng sẽ bắt đầu phát hành thẻ chip mới?
Chúng tôi đã phát hành hơn 4 triệu thẻ nội địa, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ trả trước. Tính đến thời điểm hiện nay, có thể nói Sacombank đã hoàn toàn sẵn sàng phát hành thẻ chip nội địa cho khách hàng hiện hữu có nhu cầu chuyển đổi hoặc khách hàng mới có nhu cầu sử dụng và cụ thể là chúng tôi đã phát hành cho khá nhiều khách mời tham dự sự kiện ra mắt thẻ chip này để trải nghiệm ngay tại khuôn viên hội nghị.
Để đi đến kết quả là 1 trong các ngân hàng tiên phong về chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và công nghệ contactless, các ông đã chuẩn bị thế nào?
Sacombank luôn tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ mới của thẻ. Cụ thể, chúng tôi là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thẻ chip quốc tế vào tháng 9/2010 và là ngân hàng đầu tiên phát hành thẻ chip contactless (thanh toán không tiếp xúc) vào tháng 7/2017. Do vậy, với kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm qua, việc triển khai công tác chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa không gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện công tác chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, chúng tôi đã tập trung nhiều nguồn lực để điều chỉnh và nâng cấp hệ thống phát hành thẻ và hệ thống chấp nhận thẻ từ tháng 12/2018. Và đến tháng 5/2019 Sacombank đã sẵn sàng phát hành thẻ chip nội địa.
Theo Thông tư 41 do NHNN ban hành, đến ngày 31/12/2019, Tổ chức thanh toán thẻ phải có ít nhất 35% ATM tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Với Sacombank, hiện tại, 100% máy ATM của Sacombank đã sẵn sàng chấp nhận thẻ chip nội địa. Đối với thiết bị POS thì chúng tôi đang cập nhật và sẽ hoàn tất trong tháng 6/2019. 100% POS đều chấp nhận thẻ chip nội địa, trong đó trên 50% máy hỗ trợ tính năng không tiếp xúc. Do vậy, có thể nói Sacombank là ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành trước kế hoạch mà NHNN đã yêu cầu đối với các thiết bị chấp nhận thẻ chip .
Việc chuyển đổi thẻ có ảnh hưởng gì tới các giao dịch của khách hàng hiện nay không thưa ông?
Việc chuyển đổi thẻ không làm ảnh hưởng hay làm gián đoạn các giao dịch thẻ của khách hàng. Các giao dịch trên thẻ từ trong thời gian Sacombank đang chuyển đổi thẻ chip vẫn giao dịch bình thường. Vì khi chúng tôi hoàn tất việc sản xuất thẻ chip cho khách hàng, khách hàng sẽ đến Sacombank nhận thẻ. Khi đó, Sacombank sẽ kích hoạt thẻ chip cho khách hàng để thẻ chip sẵn sàng sử dụng, đồng thời thanh lý thẻ từ mà khách hàng đang sử dụng.
Khi sử dụng thẻ chip, giao dịch của khách hàng sẽ thuận tiện hơn. Đặc biệt là tại ATM, khách hàng không cần phải nhập mật mã 2 lớp xác thực như thẻ từ.
Với hàng triệu thẻ hiện hữu, ngân hàng tính toán thời gian chuyển đổi khi nào thì xong?
Chúng tôi dự tính công tác chuyển đổi thẻ sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình của Thông tư 41/2018 của NHNN quy định, cụ thể là đến hết năm 2019 sẽ có ít nhất 30% thẻ từ nội địa được chuyển đổi sang thẻ chip, cuối năm 2020 sẽ có 60% thẻ từ nội địa được chuyển đổi sang thẻ chip và dự kiến đến hết 2021 sẽ đạt 100% khách hàng sử dụng thẻ chip nội địa.
Để đảm bảo tiến độ công tác chuyển đổi này, Sacombank cần thực hiện song song nhiều hoạt động như tăng mới phát hành thẻ chip nội địa, tăng cường hoạt động chuyển đổi thẻ cho khách hàng hiện hữu.
Được biết chi phí của việc chuyển đổi thẻ này rất tốn kém, ông có thể chia sẻ cụ thể?
Việc chuyển đổi thẻ chip đúng là khá tốn kém. Riêng phần chi phí phôi thẻ chip mới đã cao gấp 5 lần so với phôi thẻ từ. Ngoài ra, chi phí nâng cấp hệ thống cho việc phát hành và chấp nhận thẻ nội địa cũng lên đến con số 100.000 USD. Về phần mạng lưới chấp nhận thẻ bao gồm ATM và POS, thì Sacombank không tốn kém thêm chi phí bởi ngân hàng đã nắm bắt được xu hướng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nên cũng đã có sự chuẩn bị và đầu tư chi phí từ trước đó.
Tuy tốn kém khá nhiều chi phí nhưng chúng tôi cho rằng việc đầu tư này là cần thiết và vô cùng quan trọng, vì đảm bảo an toàn tài chính cho khách hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Với loại thẻ contactless, khách hàng không cần mật khẩu vẫn có thể giao dịch được, vậy tính bảo mật được đảm bảo thế nào?
Với loại thẻ mới, tính bảo mật cao hơn, nhưng khách hàng vẫn cần nhập mật khẩu khi giao dịch thanh toán (PIN), bao gồm thanh toán qua chip contact (con chip nổi trên mặt trước thẻ), dãy từ phía sau và chip contactless (đối với giao dịch từ 1 triệu đồng trở lên) để tăng thêm tính bảo mật.
Đối với giao dịch contactless dưới 1 triệu đồng thì không cần nhập PIN để đảm bảo việc thanh toán được nhanh chóng và tiện lợi cho khách hàng. Thẻ chip thông minh tích hợp công nghệ không tiếp xúc (contactless) đảm bảo đầy đủ tính an toàn bảo mật theo chuẩn quốc tế EMV, với nhiều lớp bảo mật và chỉ hoạt động trong khoảng cách quy định của thiết bị thanh toán.
Đồng thời, ngân hàng cũng đã xây dựng các luồng kiểm soát rủi ro trong hoạt động giao dịch, đối với các giao dịch có dấu hiệu nghi ngờ, Sacombank sẽ liên hệ khách hàng để đảm bảo đúng chủ thẻ thực hiện giao dịch, cũng như khách hàng có thể chủ động khóa thẻ trên ứng dụng thanh toán (Sacombank Pay, Sacombank Mbanking) hay bằng tin nhắn hoặc liên hệ tổng đài.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank
Ngân hàng sẽ khuyến khích người dùng thẻ mới ra sao thưa ông?
Trong thời gian đầu triển khai, để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ chip nội địa, Sacombank sẽ triển khai nhiều hoạt động khác như không thay đổi phí phát hành và phí thường niên hay thu thêm phí khác liên quan đến việc sử dụng chip; thực hiện chuyển đổi miễn phí cho nhóm khách hàng có doanh số giao dịch cao; tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích thích khách hàng giao dịch thẻ; tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về tính tiện lợi và an toàn của việc sử dụng thẻ, đặc biệt là thẻ chip.
Đối với chủ thẻ hiện hữu, chúng tôi sẽ khuyến khích người dùng thẻ mới thông qua các chương trình chuyển đổi thẻ đi kèm với các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, Sacombank sẽ tăng cường công tác truyền thông qua email, SMS, điện thoại... để chủ thẻ có thêm thông tin về các tiện ích của thẻ mới.
Riêng đối với khách hàng mới, ngân hàng sẽ khuyến khích người dùng thẻ mới thông qua các hoạt động truyền thông rộng rãi trên các kênh báo chí, website, fanpage của ngân hàng và thông qua đội ngũ chuyên viên tư vấn giàu năng lực tại các điểm giao dịch.
Chi phí đầu tư lớn vậy các ông kỳ vọng gì ở dòng thẻ mới này đối với hoạt động dịch vụ của ngân hàng?
Dòng thẻ mới có nhiều lợi điểm như tính an toàn bảo mật được nâng cao và được trang bị thêm công nghệ contactless giúp việc thanh toán nhanh chóng và tiện lợi hơn. Ngoài ra, với công nghệ chip, cho phép thông tin được lưu trữ nhiều hơn trên thẻ, sẽ là cơ sở để ngân hàng triển khai các dịch vụ đa tiện ích, kết nối dữ liệu khác ngoài thông tin thẻ như thẻ học đường, thẻ bệnh viện, thẻ cư dân, các loại thẻ phục vụ cho dịch vụ thanh toán công,… giúp ngân hàng mở rộng hơn phân khúc khách hàng, cũng như mang đến nhiều dịch vụ trọn gói hơn cho chủ thẻ; từ đó, gia tăng các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến việc chuyển đổi từ thẻ công nghệ từ sang công nghệ chip sẽ giúp thẻ nội địa của Sacombank tăng thêm 30% doanh thu so với năm 2018.
Bên cạnh đó, cùng với việc chuyển đổi thẻ và phát triển các sản phẩm thẻ mới, trong vòng 3 năm tới, Sacombank kỳ vọng thẻ sẽ đóng góp 40% vào lợi nhuận ngân hàng và tiếp tục giữ vững thương hiệu là ngân hàng tiên phong trong công nghệ mới.
Được biết Sacombank là ngân hàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ QR Code trong thanh toán, và bây giờ là 1 trong 7 ngân hàng đầu tiên chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Đi đầu thường sẽ có những rủi ro và khó khăn nhất định, đặc biệt là về chi phí, vậy xin hỏi ông lý do nào ngân hàng lại muốn trở thành người dẫn đầu như vậy?
Tính đến thời điểm hiện nay, Sacombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai phương thức thanh toán QR theo chuẩn EMV của 5 tổ chức thẻ bao gồm Visa, Mastercard, UnionPay, JCB và Napas. Mặc dù, thị trường Việt Nam chưa phổ biến với phương thức thanh toán này so với nước láng giềng là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển trong tương lai, nên đã đầu tư và phát triển nhanh chóng công nghệ này. Đó là một ví dụ cụ thể cho việc luôn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thanh toán mà Sacombank đã và đang thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
Lĩnh vực thanh toán là một lĩnh vực rất nhạy với công nghệ và phải liên tục thay đổi để mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng. Đúng là người dẫn đầu sẽ gặp những khó khăn và rủi ro nhất định như phản ứng của thị trường, cần nhiều chi phí cho việc đầu tư ban đầu và định hướng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ mới,… Tuy nhiên, người dẫn đầu cũng sẽ có nhiều ưu thế như chiếm lĩnh thị trường, tạo ấn tượng về thương hiệu, đặc biệt và quan trọng nhất đó là phương châm hoạt động của Sacombank, luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, nên việc khách hàng hài lòng khi trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất là phần thưởng quý giá cho những nỗ lực của chúng tôi.
Chiến lược của Sacombank là ngân hàng hiện đại hóa công nghệ hóa nên việc đầu tư công nghệ tuy tốn kém nhưng cần thiết để thực hiện. Đầu tư về công nghệ sẽ giúp tạo thêm cơ hội kinh doanh, cơ hội tăng thêm doanh thu và tiết giảm các chi phí vận hành thủ công. Do đó, tuy tốn kém về chi phí đầu tư, nhưng các nguồn lợi có được trong tương lai sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn. Mặt khác, do hoạch định chi phí tốt, nên các khoản đầu tư về công nghệ không làm ảnh hưởng tiêu cực đển hoạt động tài chính của ngân hàng, mà ngược lại, công nghệ góp phần đem nhiều lợi ích thiết thực cho Sacombank như sự tin tưởng và gắn bó của khách hàng, sự tăng trưởng ấn tưởng về doanh số thẻ,… |
Trong thanh toán không dùng tiền mặt, Sacombank đã hiện diện ở những lĩnh vực, dịch vụ nào thưa ông?
Ở mảng chấp nhận thẻ, Sacombank triển khai lắp đặt POS, dịch vụ chấp nhận thẻ qua QR, thanh toán qua Mobile NFC (Near-Field Communications) – công nghệ không dây tầm ngắn, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau, cổng thanh toán điện tử, cung cấp giải pháp cho các ví điện tử,…
Còn ở mảng phát hành thẻ, bên cạnh việc phát hành thẻ thông thường như thẻ tín dụng, thanh toán và thẻ trả trước, Sacombank còn triển khai nhiều lĩnh vực khác như thẻ đồng thương hiệu, giải pháp thẻ quà tặng cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng là ngân hàng triển khai đầu tiên và có mạng lưới chấp nhận thẻ không tiếp xúc khá lớn trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, từ tháng 12/2018, Sacombank cũng đã ra mắt ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay với nhiều tính năng nổi trội như quản lý thẻ, giao dịch QR (thanh toán, rút tiền mặt, chuyển khoản), chuyển tiền nhanh chóng, thanh toán online, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, đăng ký trả góp cho các giao dịch thẻ, nhắc nợ tự động, lập lịch thanh toán… và sắp tới sẽ là vay tiêu dùng trên Sacombank Pay. Với nhiều tính năng nổi trội, Sacombank Pay không chỉ dành riêng cho chủ thẻ Sacombank mà dành cho tất cả người dùng đồng ý tải và đăng ký sử dụng Sacombank Pay. Nếu khách hàng là chủ thẻ ngân hàng khác, thì có thể nạp tiền vào Sacombank Pay thông qua thẻ đang sử dụng hiện tại.
Đặc biệt là Sacombank Pay còn cho phép lưu thông tin thẻ ngân hàng khác dưới dạng mã hóa để thuận tiện cho các lần nạp tiền sau. Ngoài ra, ứng dụng Sacombank Pay còn có thể được sử dụng thanh toán thông qua quét mã QR code chuẩn EMV của các tổ chức thẻ trên khắp thế giới, rất thuận tiện cho khách hàng khi đi du lịch đến các nước phổ biến hình thức thanh toán QR mà không cần phải dùng đến thẻ nhựa. Mục tiêu của chúng tôi là đưa Sacombank Pay trở thành một ứng dụng tích hợp tất cả các giải pháp tài chính xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của khách hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trải nghiệm dịch vụ thẻ chip của ngân hàng
Các dịch vụ của ngân hàng đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các ví điện tử của các tổ chức không phải ngân hàng, các ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh này?
Ví điện tử là một thị trường kinh doanh tiềm năng, nên không còn dành riêng cho các công ty Fintech. Hiện toàn thị trường đã có hơn 20 ví điện tử, với sự tham gia không chỉ của Fintech, mà còn từ các công ty viễn thông, công ty công nghệ vận chuyển, ngân hàng… Chúng tôi cho rằng việc nhiều đơn vị ở các lĩnh vực khác nhau cùng tham gia vào thị trường mới và đầy tiềm năng này sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc chuyển dịch hành vi của khách hàng từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện thanh toán phi tiền mặt như ví điện tử, ứng dụng tài chính, thẻ, QR,… tạo ra một hệ sinh thái tài chính rộng lớn mà nơi đó dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ, nơi mà sẽ hầu như không còn chỗ cho các giao dịch tiền mặt.
Các ví điện tử có các lợi thế về mặt công nghệ, vốn đầu tư, trong khi ngân hàng lại có các lợi thế khác như cơ sở hạ tầng, mạng lưới điểm giao dịch, mạng lưới chấp nhận thẻ, các công nghệ thanh toán chuẩn quốc tế, lượng khách hàng hiện hữu,… nên việc ngân hàng hợp tác cùng các ví điện tử phát triển là cần thiết vì giúp tiết giảm chi phí tổng thể của toàn thị trường, phát triển thêm lẫn nhau trên cơ sở lượng khách hàng hiện hữu của các bên, tận dụng hạ tầng kỹ thuật của mỗi bên,…
Hiện Sacombank cũng đã hợp tác với rất nhiều ví điện tử thông qua việc cung cấp giải pháp kỹ thuật để đem lại công cụ thanh toán chuẩn quốc tế và việc kết nối hệ thống để khách hàng của hai bên có thể sử dụng hệ sinh thái chấp nhận thẻ lẫn nhau.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng của toàn thị trường, vậy kế hoạch thời gian tới của ngân hàng thế nào để giữ được vị trí tiên phong?
Để thúc đẩy hoạt động không dùng tiền mặt, chúng tôi cho rằng việc phát triển hệ sinh thái thanh toán là cần thiết. Hiện tại, mạng lưới chấp nhận thẻ thanh toán toàn thị trường chưa nhiều so với nhu cầu của khách hàng, nên Sacombank sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái thanh toán với chi phí thấp như hệ sinh thái chấp nhận QR, hệ sinh thái thanh toán các hoạt động thiết yếu hàng ngày như hóa đơn, máy bay... trên điện thoại để thuận tiện cho người dùng sử dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh kết nối các dịch vụ thanh toán công, công ích như các chương trình thẻ học đường SSC, thẻ khám bệnh tại một số bệnh viện lớn, thẻ cư dân, thiết lập các cổng thanh toán để thanh toán các dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán thuế, điện, nước, viễn thông…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông và khuyến mãi để tạo thêm động lực cho khách hàng sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Và ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến trình cho phép ứng dụng các công nghệ thanh toán trong các phương tiện giao thông công cộng, và các lĩnh vực công khác như bệnh viện… để thúc đẩy nhanh hơn thanh toán không tiền mặt.