Bản tin Thị trường tiền tệ - Tài chính - Kinh tế ngày 03/01/2025

03/01/2025

Áp lực mới cho chính sách tiền tệ trong năm 2025 xuất hiện, khi NHNN mới đây cho biết, đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, tức cao hơn cả mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024.

Việc công bố tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ này diễn ra trong bối cảnh chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) tiếp tục phá kỷ lục vào giai đoạn cuối năm 2024, khi có thời điểm lên trên 108 điểm, và vẫn giữ ở vùng cao kỷ lục này. Năm 2024 có thể nói là năm “chạy theo” đồng đô la Mỹ, không chỉ ở Việt Nam mà là trên quy mô toàn thế giới. Áp lực tỷ giá buộc chính sách tiền tệ phải đi theo trong bối cảnh hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Việc kiểm soát áp lực tỷ giá cũng buộc giữ lãi suất trên thị trường duy trì ở mức đủ cao so với lãi suất đô la. Chỉ có điều, không có nhà phân tích nào có thể dự đoán kịch bản tỷ giá sẽ đi như thế nào, đặc biệt là dưới thời “Trump 2.0” sắp tới đây. Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam bình luận, NHNN đang “đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề” khi phải điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc “phấn đấu” giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm “thử lửa” của chính sách tiền tệ ở nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở thương mại cao như Việt Nam, đặc biệt xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ. Chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng, nhưng tác động của việc mở rộng cũng là có giới hạn, đặc biệt là ở câu chuyện lãi suất. 

Vui lòng xem Bản tin tại đây.